Khánhst

Chủ Nhật, 14 tháng 10, 2018

Về thế và lực quân sự hiện nay của Trung Quốc

Đến nay, bức tranh toàn cảnh về thế và lực quân sự của Trung Quốc đã có những thay đổi đáng chú ý. Tuy lực và thế quân sự của Trung Quốc được cải thiện, nhưng thiếu kinh nghiệm tác chiến thực tế, Trung Quốc sẽ gặp khó khăn lớn khi tiến hành chiến tranh với cường quốc khác. Trong khi đó, Trung Quốc có ưu thế hơn hẳn các nước khu vực.


Tóm tắt

Năm 2015, Trung Quốc thực hiện điều chỉnh chiến lược quốc phòng, nhằm xây dựng quân đội trở nên hùng mạnh bậc nhất thế giới vào dịp kỷ niệm 100 năm Ngày thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (01/10/2049). Cùng năm 2015, Trung Quốc công bố Sách trắng Quốc phòng nêu rõ tăng cường hiện đại hóa quân đội, quốc phòng, đối phó với thách thức an ninh của Trung Quốc đang tăng lên. Năm năm qua, một trong những thay đổi lớn nhất ở Trung Quốc là thay đổi tiềm lực, lực lượng, cơ cấu tổ chức quân đội. Đến nay, bức tranh toàn cảnh về thế và lực quân sự của Trung Quốc đã có những thay đổi đáng chú ý. Tuy lực và thế quân sự của Trung Quốc được cải thiện, nhưng thiếu kinh nghiệm tác chiến thực tế, Trung Quốc sẽ gặp khó khăn lớn khi tiến hành chiến tranh với cường quốc khác. Trong khi đó, Trung Quốc có ưu thế hơn hẳn các nước khu vực.


Trung Quốc tăng cường mạnh mẽ tiềm lực quân sự

Nhờ kinh tế liên tục tăng trưởng từ khi cải cách, mở cửa bốn thập kỷ qua, ngân sách quốc phòng cũng tăng lên. Từ năm 1996, Trung Quốc tăng chi phí quân sự trung bình 11%/năm. Mấy năm gần đây, ngân sách quân sự của Trung Quốc tăng 7,6%.

Tổ chức quân đội Trung Quốc chuyển sang cơ bản giống mô hình quân đội Mỹ. Hệ thống chỉ huy gồm Quân ủy Trung ương, đứng đầu là Chủ tịch Quân ủy (cũng chính là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đảm nhiệm) có quyền chỉ huy tối cao và tuyệt đối, thông qua Bộ Tổng tham mưu liên hợp (như mô hình Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ) và các Bộ Tư lệnh liên hợp chiến khu, các Tổng bộ.1 Lãnh đạo Trung Quốc nắm toàn quyền kiểm soát các lực lượng vũ trang. Quân đội Trung Quốc đặt công tác xây dựng chính trị, tư tưởng lên hàng đầu, chú trọng sáng tạo phát triển lý luận quân sự mới, loại bỏ quan niệm “một khẩu súng, một đôi chân, ba bát cơm, bốn quả lựu đạn”. Trung Quốc đứng thứ sáu châu Á về quân số tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc.

Trung Quốc thành lập ba Bộ tư lệnh mới.2 Lục quân chuyển từ “phòng ngự khu vực” sang cơ động liên khu vực và toàn cầu, nâng cao khả năng tác chiến liên chiến trường. Hải quân giữ nguyên ba (03) hạm đội và một (01) Sư đoàn thủy quân lục chiến, nhưng tăng lên ba (03) chi đội hộ vệ khu trục cho mỗi hạm đội. Hải quân chuyển trọng tâm từ “phòng thủ ngoài khơi” sang kết hợp với “bảo vệ vùng biển mở”; tăng cường khả năng cơ động và tác chiến liên hợp trên biển. Không quân Trung Quốc chuyển trọng tâm từ phòng thủ lãnh thổ sang tiến công và phòng thủ. Quân chủng hỗ trợ chiến lược được thành lập, trên cơ sở sáp nhập Lực lượng pháo binh II (tên lửa chiến lược), bộ đội tác chiến điện tử (mạng) và bộ đội phát triển vũ khí chiến tranh không gian,3 tăng cường khả năng đánh đòn trả đũa hạt nhân, tiến công tầm trung và tầm xa.

Trung Quốc cắt giảm quân số,4 tiến tới đưa tỉ lệ lục quân so với hải quân, không quân tiếp cận tỉ lệ 4/6 như các nước Mỹ, Anh, Pháp. Nét nổi bật là Trung Quốc cắt giảm quân số lục quân, nhưng tăng quân số hải quân, không quân và tên lửa chiến lược,5 tức tăng quân số ở các đơn vị được trang bị vũ khí công nghệ cao.

Trung Quốc chú trọng đầu tư trang bị, hiện đại hóa, bổ sung trang bị mới, tăng cường đáng kể sức mạnh của quân đội. Ngoài lực lượng đã có,6 năm 2017, hải quân Trung Quốc có thêm 1 tàu sân bay, dẫn đầu công nghệ đẩy cho tàu ngầm. Tháng 3/2017, Trung Quốc bắt đầu đóng tàu đổ bộ tấn công loại lớn. Tháng 6/2017, Trung Quốc hạ thuỷ tàu chiến tân tiến nhất châu Á, tạo bước chuyển lớn trong quá trình hiện đại hóa trang bị hải quân.

Tại Thái Bình Dương, Trung Quốc hoàn tất bồi đắp đảo quy mô lớn trên 7 thực thể;7 nối liền các đảo nhân tạo, phát triển cơ sở hạ tầng, xây dựng 3 đường băng dài 3.300 m, cho phép các máy bay chiến đấu hiện đại hạ cánh, biến chúng thành những “căn cứ dân sự - quân sự” nhằm tăng cường sự hiện diện lâu dài trên Biển Đông. Trung Quốc đạt được thỏa thuận xây dựng cảng nước sâu ở Cô Công (Cam-pu-chia), thời hạn sử dụng là 99 năm, cách Biển Đông vài trăm cây số, có thể trú đậu tàu thuyền có lượng giãn nước đến hàng vạn tấn; tuần dương hạm và tàu sân bay Trung Quốc có thể ghé cảng, từ đây nhanh chóng vươn ra Biển Đông hoặc vươn tới Ấn Độ Dương.

Ngoài Quân chủng Hải quân, Trung Quốc chú trọng xây dựng lực lượng Dân quân biển từ ngư dân, sử dụng tàu đánh cá để tập trận trong vùng tranh chấp. Ngư dân được huấn luyện quân sự, trợ cấp về nhiên liệu và đá trong các chuyến đánh bắt cá, có nhiệm vụ thu thập thông tin về các tàu nước ngoài đi qua Biển Đông, tham gia tìm kiếm cứu hộ, vận chuyển nguyên vật liệu để xây dựng, cải tạo đảo đá hay ngăn chặn tàu nước ngoài trong trường hợp hải quân không tiện can thiệp. Đây là chiến lược “đánh cá, bảo vệ, chiếm giữ và quản lý” - một phần trong chiến lược tổng thể nhằm làm chủ vùng Tây Thái Bình Dương.

Tại Ấn Độ Dương, Trung Quốc mở rộng sự hiện diện quân sự trên đại dương này. Lần đầu tiên, Trung Quốc có căn cứ quân sự ở nước ngoài, trong chủ trương thiết lập chuỗi các căn cứ quân sự ven biển dọc các tuyến đường vận tải từ Trung Quốc sang châu Phi, Trung Đông. Căn cứ quân sự đầu tiên đặt tại Di-bu-ti, nối Biển Đỏ và Vịnh A-đen, gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc tại châu Phi và Ấn Độ Dương, đồng thời còn nhằm ngăn Mỹ hỗ trợ lực lượng cướp biển vùng Sừng châu Phi hoạt động trên tuyến đường giao thông hàng hải quan trọng của Trung Quốc. Trung Quốc hiện đang tham gia vào các dự án cơ sở hạ tầng tại Pa-ki-xtan, Nê-pan, Xri Lan-ca, Mi-an-ma và Man-đi-vơ, thực chất là nhằm mở rộng hoạt động ở Ấn Độ Dương và khống chế Ấn Độ.

Về không quân: tháng 12/2016, Trung Quốc đưa vào biên chế máy bay chiến đấu tàng hình FC-3 thế hệ thứ 5, chấm dứt độc quyền của phương Tây sản xuất loại máy bay này. Tháng 3/2017 Trung Quốc đưa vào sử dụng máy bay chiến đấu tàng hình loại mới nhất J-20, tương đương máy bay tàng hình F-35 của Mỹ.

Lực lượng tên lửa: Trung Quốc liên tục hiện đại hóa tên lửa, tăng cường khả năng răn đe chiến lược. Năm 2017, Trung Quốc đưa vào sử dụng tên lửa mới DF-31AG,9 cải tiến tên lửa phòng không tầm trung DF-16G với độ chính xác hơn. Năm 1996, Trung Quốc mới bắt đầu nghiên cứu phát triển tên lửa đạn đạo thông thường, nhưng tiến bộ nhanh, đến năm 2015, Trung Quốc đã triển khai hơn 1.200 tên lửa đạn đạo (tầm bắn của tên lửa DF-21C bao phủ toàn bộ Đông Nam Á) với độ lệch mục tiêu chỉ vài mét. Tháng 2/2017, Trung Quốc đưa vào biên chế tên lửa đạn đạo có độ chính xác cao, có thể đặt trên các bệ phóng di động và tấn công tất cả tàu chiến, tàu ngầm, căn cứ không quân cách biên giới Trung Quốc 2.000 km,10 đe doạ các căn cứ quân sự của Mỹ đóng ở Nhật Bản, đe dọa Nhật Bản, Đài Loan, Phi-líp-pin.11 Như vậy, khả năng giành quyền kiểm soát trên không, trên biển và mục tiêu tấn công tầm xa của Trung Quốc nâng lên rõ rệt, có thể phòng ngự biển gần hiệu quả.

Một số hạn chế về Lực của Trung Quốc về quân sự

Tuy Trung Quốc liên tục tăng ngân sách quân sự, nhưng đến nay mới đạt khoảng 147,7 tỷ USD, trong khi đó ngân sách quân sự năm 2017 của Mỹ đã lên tới 626 tỷ USD, tức là ngân sách quốc phòng Trung Quốc mới bằng một phần tư chi phí quân sự của Mỹ. Ngân sách này lại phải chi phí cho giảm quân, tăng cường trang bị hiện đại quân đội, nên chi phí cho huấn luyện sẽ bị hạn chế.

Trung Quốc chậm thu hẹp khoảng cách với các cường quốc phát triển về sản xuất những trang bị chủ yếu. Công nghiệp quốc phòng Trung Quốc đứng thứ tư trên thế giới,12 không phải là nước nắm công nghệ gốc, nên hạn chế khả năng nghiên cứu, phát triển các phương tiện chiến đấu chủ yếu như máy bay chiến đấu hay tên lửa không đối không tiên tiến.

Việc tinh giảm biên chế gặp khó khăn về tạo việc làm, bảo đảm phúc lợi xã hội. Chính phủ khó bố trí ngân sách hỗ trợ quân nhân giải ngũ.

Nội trị Trung Quốc gặp không ít thách thức, như khủng bố, xung đột sắc tộc, tôn giáo, vấn đề Hồng Công, Ma Cao... khiến quân đội phải dàn trải nguồn lực để đối phó.

Quân đội Trung Quốc nhìn chung vẫn ít dịp thử thách, thiếu kinh nghiệm tác chiến, năng lực sử dụng vũ khí hạn chế, khả năng tấn công từ xa và kỹ thuật tác chiến chống tàu ngầm còn yếu; chưa phát triển được năng lực tác chiến biển xa đáng tin cậy.

Tương quan về Thế

Một số điểm “thuận lợi” đối với Trung Quốc

Các thách thức an ninh đối với Mỹ hiện không chỉ có ở Đông Bắc Á mà cả ở Đông Nam Á, nơi Mỹ gần như không hiện diện quân sự.13 Trung Quốc sẽ nhiều cơ hội “rảnh rang” hơn để vươn ra làm chủ khu vực.

Nhờ thi hành chính sách đối ngoại láng giềng, Trung Quốc thành công trong việc dùng quan hệ thương mại, viện trợ kinh tế để dành “tình cảm” của nhiều nước ASEAN. Tiềm lực quân sự của Trung Quốc hiện nay vượt xa tất cả các nước khu vực cộng lại.

Hợp tác quốc tế nổi bật nhất đến nay của quân đội Trung Quốc là tập trận với hải quân Nga, rèn luyện khả năng hoạt động ở các vùng biển xa nhằm mục tiêu ngăn chặn Mỹ. Trung Quốc còn mở rộng hoạt động sang Ấn Độ Dương, châu Phi, Địa Trung Hải, Ban-tích, Pri-mô-ri-e.

Một số điểm hạn chế về “Thế quân sự”

Việc thực hiện mục tiêu “cường quân” của Trung Quốc thách thức trực tiếp lợi ích và địa vị của Mỹ, làm cho thách thức an ninh của Trung Quốc tăng lên. Mỹ tăng cường hiện diện, củng cố các liên minh quân sự trong khu vực. Mỹ có căn cứ ở Hawaii, 54.000 quân đóng tại Nhật Bản, 28.500 quân đồn trú tại Hàn Quốc, tăng cường quan hệ quân sự, bán vũ khí cho Đài Loan. Tuy thực hiện chính sách “một Trung Quốc”, nhưng Mỹ vẫn đối xử với Đài Loan như “đồng minh”. Đồng thời, Mỹ lại có kế hoạch triển khai hệ thống đánh chặn tên lửa tầm xa giai đoạn cuối (THAAD) tại Hàn Quốc, đem mối họa đến gần biên giới Trung Quốc hơn, tạo nên thế bao vây, kiềm chế Trung Quốc ở phía Bắc. Mỹ tăng cường quan hệ quân sự với Ấn Độ, Ô-xtrây-li-a, Áp-ga-ni-xtan, tạo thế kiềm chế Trung Quốc ở phía Nam Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương và phía Tây. Biển Đông là môi trường tác chiến thuận lợi cho hải quân và không quân Mỹ khi can thiệp vào eo biển Đài Loan để bảo vệ vùng lãnh thổ này.

Do vậy, việc giành và giữ quyền khống chế Biển Đông trở nên rất quan trọng đối với việc duy trì sức mạnh quân sự của Mỹ ở Đông Á. Mỹ tỏ thái độ cứng rắn trong vấn đề Biển Đông, trong hoạt động ngoại giao cũng như trên thực địa nhằm kiềm chế Trung Quốc, cam kết đảm bảo an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không trên vùng biển này. Ngoài ra, từ năm 2016 tới nay, Mỹ tập trận chung với Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc để tăng cường khả năng phối hợp. Kiểm soát Biển Đông, tranh chấp trên Biển Hoa Đông, tăng cường sức mạnh tổng hợp, Trung Quốc đang tạo nên sức ép, nguy cơ đối với Mỹ, ngăn chặn sự hiện diện quân sự của Mỹ ở Biển Đông. Không những thế, Trung Quốc từng bước ép Việt Nam, Phi-líp-pin và tất cả các nước khác phải chấp nhận yêu sách về Biển Đông của Trung Quốc, buộc các nước ven Biển Đông chạy đua vũ trang, làm cho khu vực thêm bất ổn.

Trong khi Mỹ có trên 60 đồng minh quân sự trên thế giới, thì Trung Quốc gần như không có đồng minh (trừ Triều Tiên và chừng mực nào đó là Cam-pu-chia); Trung Quốc vẫn bị bao vây trong vành đai đảo thứ nhất (từ Nhật kéo xuống Phi-líp-pin và Ma-lai-xi-a); ít kinh nghiệm tác chiến thực tế và chính trị nội bộ bất ổn. Những thách thức này sẽ tiếp tục gây khó khăn cho Trung Quốc.

Nhật Bản nỗ lực hiện đại hóa quân đội và tăng cường các chính sách an ninh, phản ứng nhanh, mạnh đối với việc Trung Quốc triển khai hoạt động “quân sự hóa” ở Biển Đông, tranh chấp quần đảo Senkaku/ Điếu Ngư ở biển Hoa Đông. Nhật Bản lo lắng về các giàn khoan mới do Trung Quốc xây dựng trên vùng biển mà cả hai nước đều tuyên bố là vùng đặc quyền kinh tế. Nhật Bản luôn khẳng định không có tranh chấp vì quần đảo này thuộc chủ quyền của Nhật Bản cả về pháp lý lẫn lịch sử. Trong khi đó, các tàu hải giám Trung Quốc ngang nhiên đi vào vùng lãnh hải của Nhật Bản ở gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, khiến một số nhà phân tích dự đoán rằng cuộc tranh chấp này có thể leo thang thành xung đột.
Trung Quốc không chỉ cạnh tranh chiến lược với Mỹ, tranh chấp với Nhật Bản mà còn tranh chấp biên giới với Ấn Độ. Tranh chấp này tồn tại từ khi Ấn Độ mới ra đời. Ấn Độ cho rằng địa vị địa - chính trị của mình ở Nam Á bị Trung Quốc thách thức khi Trung Quốc thúc đẩy toàn diện ý tưởng “Vành đai và Con đường” đi qua khu vực Nam Á và Trung Á gần Ấn Độ.

Cạnh tranh, tranh chấp không chỉ diễn ra giữa Trung Quốc với các nước lớn, mà Trung Quốc còn uy hiếp chủ quyền, an ninh và lợi ích phát triển của các nước có yêu sách chủ quyền ở Trường Sa, làm gia tăng cuộc chạy đua vũ trang ở khu vực, khiến môi trường an ninh Trung Quốc và các nước xung quanh Biển Đông phức tạp hơn.14 Trung Quốc có “truyền thống” dùng vũ lực đánh chiếm các đảo,15 do đó các nước khu vực tỏ lo ngại trước việc Trung Quốc tôn tạo đảo, đá, triển khai tên lửa, quân sự hóa các đảo nhân tạo.

Thay lời kết luận

Từ sau năm 2012, tiềm lực, sức mạnh, cũng như thế quân sự của Trung Quốc cải thiện rõ rệt. Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 19 đặt mục tiêu đến năm 2035 cơ bản thực hiện hiện đại hóa quốc phòng và quân đội; đến giữa thế kỷ XXI, hoàn thành xây dựng quân đội Trung Quốc thành quân đội hàng đầu thế giới. Đây là nhiệm vụ không dễ dàng.

Hiện nay, Trung Quốc gặp không ít thách thức bên trong, lo bất ổn nội trị, sợ bị phong tỏa, sợ không kiểm soát được vấn đề Đài Loan, Hồng Công, Ma Cao, sợ bị láng giềng tấn công trên bộ, sợ có lãnh thổ ly khai, sợ bị ném bom tầm xa, sợ bị tấn công vào các vị trí chiến lược, sợ tình hình leo thang hoặc mất kiểm soát. Bên ngoài, trên các hướng, trừ hướng phía Bắc, đều tồn tại những nguy cơ an ninh; những thách thức này tăng lên cùng với quá trình Trung Quốc vươn lên thành cường quốc khu vực, cường quốc toàn cầu, nên không dễ gì Trung Quốc có thể dành chiến thắng dễ dàng nếu gây ra chiến tranh với các nước lớn. Bên cạnh đó, cạnh tranh Trung - Mỹ gay gắt, “không hòa, không chiến”, không có điểm kết thúc ngay tại khu vực.

Không phải lúc nào cạnh tranh, xung đột giữa cường quốc mới nổi lên và cường quốc đang suy yếu cũng nổ ra chiến tranh. Nhưng với “giấc mộng Trung Hoa” và so sánh lực và thế quân sự Trung Quốc hiện nay với từng nước khu vực, không loại trừ khả năng Trung Quốc xâm lấn, đánh chiếm các đảo của các nước ven Biển Đông. Đây là điều các nước, nhất là các nước nhỏ và trung bình, cần cảnh giác, chuẩn bị lực lượng, phương án để sẵn sàng đối phó./.
Thiếu tướng, PGS, TS. Nguyễn Hồng Quân, Viện Chiến lược Quốc phòng. Bài viết được đăng trên Tạp chí Nghiên cứu Quốc tế, Học viện Ngoại giao, Số 1 (112) Tháng 3/2018.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Bộ Ngoại giao. Về cải cách quân đội Trung Quốc. Báo cáo tháng 12/2015.
2. Quốc vụ viện Trung Quốc. Sách trắng Quốc phòng Trung Quốc. Năm 2015.
3. Robert, Haddick. Fire on the Water: China, America, and the Future of the Pacific, Appapolis: Naval Institute Press. 2014.
4. South China Morning Post, ngày 14/7/2017. http://www.scmp.com/news/china.

1 Bộ Ngoại giao, Về cải cách quân đội Trung Quốc, Báo cáo tháng 12/2015.
2 là Bộ Tư lệnh Lục quân, Bộ Tư lệnh Tên lửa và Bộ Tư lệnh Hỗ trợ chiến lược.
3 Bộ Ngoại giao, Về cải cách quân đội Trung Quốc, Báo cáo tháng 12/2015.
4 Năm 2013, lục quân có 850.000 binh sĩ, hải quân có 235.000 binh sĩ và không quân có 3 98.000 binh sĩ.
5 Theo Sách trắng Quốc phòng Trung Quốc, năm 2013, quân đội Trung Quốc có 1,483 triệu người, trong đó, lục quân 850.000, hải quân 235.000, không quân 398.000 người. Tháng 9/2015, Chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố tiếp tục cắt giảm 13% quân số (khoảng 300.000 quân), hoàn thành vào cuối năm 2017.
6 Trung Quốc đã có 2 tàu sân bay, 75 tàu ngầm, 29 tàu khu trục, 52 tàu hộ vệ, 162 tàu rải, quét thủy lôi, 265 tàu tên lửa, 240 tàu pháo, 98 tàu đổ bộ, 208 tàu bảo đảm và hậu cần. Bên cạnh đó, Trung Quốc có lực lượng không quân, hải quân với 140 máy bay ném bom, rải ngư lôi; 144 chiếc máy bay cường kích Q-5, JH-7, Su-30MK2; 10 máy bay tiêm kích; 31 máy bay trinh sát, tuần tra, chống ngầm; 3 máy bay tiếp dầu (nhằm phục vụ tác chiến xa, lâu); 174 trực thăng và máy bay vận tải; 122 máy bay huấn luyện. Số lượng tàu chiến hiện đại của Trung Quốc chiếm 7 % số lượng tàu nổi, trang bị tên lửa đất đối không tầm ngắn và tầm xa, tên lửa hành trình chống hạm siêu âm và hệ thống tác chiến chống ngầm nâng cấp. Tỷ trọng tàu ngầm tấn công hiện đại hóa của Trung Quốc năm 2010 tăng lên 48%, nay tăng lên 66%.
7 Trong hai năm, Trung Quốc đã bồi đắp các đảo nhân tạo, cải tạo 1.300 hecta đất trên các đảo ở Trường Sa, bằng tất cả các nước xung quanh thực hiện trong vòng 40 năm qua, diện tích rộng gấp 17 lần, không tính diện tích Trung Quốc đã cải tạo quần đảo Hoàng Sa.
8 Máy bay J-20 có tầm bay xa hơn, năng lực cung cấp nhiên liệu lớn hơn và mang được nhiều vũ khí hơn máy bay chiến đấu F-22 và F-35 của Mỹ. Đây là thách thức đối với Hàn Quốc và Nhật Bản.
9 DF-31 AG sử dụng nhiên liệu rắn, có khả năng di chuyển trên đường và có thể được phóng đi từ xe 8 cầu dùng để chuyên chở.So với tên lửa DF-31 và DF-31A, tên lửa DF-31AG có khả năng di chuyển và khả năng tồn tại tốt hơn. Tên lửa DF-31AG cùng với tên lửa DF-31A thể hiện vị thế cường quốc và năng lực quốc phòng của Trung Quốc.
10 Haddick, Fire on the Water: China, America, and the Future of the Pacific, Appapolis: Naval Institute Press.
11 Dẫn theo South China Morning Post, ngày 14/7/2017.
12 Sau Mỹ, Nga và Pháp
13 Năm 1943, Mỹ xác định 66 vị trí chiến lược mà hải quân và không quân Mỹ cần bảo vệ để ngăn chặn các cuộc tấn công từ châu Á - Thái Bình Dương. Về sau, Mỹ lập các căn cứ quân sự trong khu vực đều dựa trên hệ thống 66 vị trí này. Sau Chiến tranh Lạnh, Mỹ điều chỉnh, rút nhiều căn cứ và duy trì chủ yếu ở Đông Bắc Á.
14 In-đô-nê-xi-a tăng cường lực lượng tại quần đảo Natuna, triển khai hệ thống phòng không tối tân nhất, 4 đơn vị đặc nhiệm, trang bị hệ thống phòng không tầm trung trên đảo Pulau Natuna Besar, bố trí thêm 8 máy bay chiến đấu, một phi đội máy bay không người lái đến căn cứ không quân ở thủ phủ quần đảo Natuna; mở rộng hai căn cứ không quân và hải quân tại chỗ, tăng gấp đôi binh lính đồn trú, tới 2.000 quân. Mỹ giúp Phi-líp-pin hiện đại hóa Trung tâm Theo dõi Duyên hải và tăng cường chia sẻ tin tức tuyệt mật giữa Mỹ và Hải quân Phi-líp-pin.
15 Năm 1956 và năm 1974 Trung Quốc dánh chiếm Hoàng Sa, năm 1988 chiếm Johnson South Reef (đá Gạc Ma), Gaven Reef (đá Ga Ven), Hughes Reef (đá Tư Nghĩa) thuộc Trường Sa; năm 1995 Trung Quốc chiếm Mischief Reef (bãi đá Vành Khăn), năm 2012 chiếm bãi đá Scarborought...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét