Khánhst

Chủ Nhật, 14 tháng 10, 2018

Trung Quốc sẽ làm suy yếu nền kinh tế toàn cầu

Trên thực tế, Trung Quốc đã không thoát khỏi sự sụp đổ năm 2008. Họ chỉ trì hoãn nó – cho đến hiện nay. Do đó, dường như Bắc Kinh đang làm suy yếu nền kinh tế toàn cầu một lần nữa. Lần nay, nạn nhân lớn nhất sẽ là Trung Quốc.


Bắc Kinh sẵn sàng đẩy thế giới vào một cuộc suy thoái khác.

Nền kinh tế Trung Quốc đang gặp khó khăn, tiền tệ và các thị trường của nước này, phản ánh tình trạng bất ổn, đang xáo trộn. Tập Cận Bình không có giải pháp nào. Điều duy nhất ông đang làm là gánh thêm nợ nần.

Đó là điều cực kỳ đáng tiếc vì một Bắc Kinh mắc nợ quá nhiều một lần nữa bắt đầu đẩy thế giới vào suy thoái. Thông qua các chính sách trục lợi, Trung Quốc đã đẩy nhanh cuộc suy thoái toàn cầu vào thập kỷ trước, và dường như họ cũng sẽ gây ra cuộc suy thoái tiếp theo.

Lần trước, người Trung Quốc đã hưởng lợi rất lớn từ sự khốn khổ của toàn thế giới. Lần này, họ sẽ không may mắn như vậy và gần như chắc chắn sẽ trở thành những nạn nhân lớn nhất.

Nhìn bề ngoài, nền kinh tế của Trung Quốc trông có vẻ tốt đẹp. Ngày 16/7, Cục thống kê quốc gia báo cáo rằng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đã tăng 6,7% trong Quý II năm 2018, giảm từ mức 6,8% trong Quý I nhưng phù hợp với kỳ vọng.

Tuy nhiên, tỷ lệ tăng trưởng của Trung Quốc không phải là vấn đề, bất kể được báo cáo thế nào. Nước này có một vấn đề căn bản: họ đang nhanh chóng mắc nợ. Nước này đang chịu số nợ có thể gấp 1,5 lần GDP danh nghĩa họ tạo ra – nếu những số liệu GDP chính thức là chính xác.

Tuy nhiên, chúng lại không chính xác. Cục thống kê quốc gia đã báo cáo số liệu GDP ở mức ổn định, điều sẽ là cực kỳ bất thường trong một nền kinh tế hoàn thiện đầy đủ, chưa kể đến một nước đang phát triển như Trung Quốc.

Do đó, bề ngoài, những số liệu của Bắc Kinh là đáng ngờ. Lấy ví dụ năm 2016, Bắc Kinh tuyên bố đạt tỷ lệ tăng trưởng là 6,7%. Giữa năm 2017, Ngân hàng thế giới (WB), đã công bố một biểu đồ cho thấy vào năm 2016, GDP của Trung Quốc tăng 1,1%.

Con số 1,1%, vốn khiến nhiều người bất ngờ, phù hợp với tổng chỉ số chính xác duy nhất đánh giá hoạt động kinh tế của Trung Quốc, tổng lượng tiêu thụ năng lượng chính. Theo các số liệu chính thức, vào năm 2016, tổng lượng tiêu thụ năng lượng chính tăng 1,4%.

Năm 2017, nền kinh tế đã tăng tốc – tiêu thụ năng lượng tăng lên 2,9% - nhưng GDP không thể tăng trưởng ở mức đã công bố là 6,9%.

Mức tăng trưởng thấp làm nổi bật vấn đề dai dẳng của Bắc Kinh: không nền kinh tế nào có thể tiếp tục vô hạn định tạo ra nợ nhanh hơn tạo ra GDP, đặc biệt với tốc độ của Trung Quốc. Ở một thời điểm nào đó, như các nhà kinh tế học sẽ nói, phải có một sự “điều chỉnh”, và một “cuộc khủng hoảng” như phần còn lại trong số chúng ta sẽ mô tả nó. Hơn nữa, sự điều chỉnh, hay cuộc khủng hoảng, phải thật lớn vì nó đã bị trì hoãn quá lâu. Bắc Kinh đã trì hoãn những sự điều chỉnh kể từ cuộc suy thoái năm 2008 có lẽ là với thời kỳ cho vay-chi tiêu lớn nhất trong lịch sử. Trong 5 năm bắt đầu vào năm 2009, các ngân hàng của Trung Quốc đã mở rộng nhiều khoản tín dụng gần tương đương với số tín dụng trong toàn bộ hệ thống ngân hàng của Mỹ, mặc dù vào cuối năm 2008, nền kinh tế Trung Quốc chưa bằng 1/3 quy mô nền kinh tế Mỹ. Hoạt động này tiếp tục diễn ra kể từ cuối nửa thập kỷ đó.

Kết quả là nền kinh tế Trung Quốc trở nên mất cân bằng, những sự mất cân bằng đó trở nên có tính đe dọa, và đất nước này đã tích lũy số nợ đáng kể. Theo Bloomberg, năm 2008, tỷ lệ nợ so với GDP của Trung Quốc, một thước đo tiêu chuẩn cho tính bền vững của nợ, là 141%. Con số đó vốn đã gây lo ngại, nhưng tình hình còn nhanh chóng trở nên xấu đi kể từ đó. Bloomberg cho biết tỷ lệ này đã tăng vọt lên đến 256% vào giữa năm 2017.

Con số này chắc chắn còn cao hơn, đặc biệt là khi tính đến cái gọi là “nợ bí mật” trong hệ thống “ngân hàng ngầm”. Andrew Collier đến từ Trung tâm nghiên cứu Orient Capital có trụ sở tại Hong Kong nói rằng các ngân hàng ngầm quản lý “gần một nửa tổng số tiền ở Trung Quốc”. Tính đến tất cả các khoản nợ này, Collier tin rằng tỷ lệ nợ so với GDP của nước này là khoảng 400%. Một tỷ lệ phần trăm kiểu như vậy cho thấy gánh nặng nợ nần của nước này là vô cùng nặng nề.

Món nợ nặng nề của Trung Quốc là một trở ngại cho tăng trưởng, đặc biệt là vì nhiều khoản đầu tư được thực hiện với những khoản vay này không có hiệu quả. Một số không hiệu quả vì chúng bị hiểu sai hoàn toàn và sẽ vẫn như vậy hoặc vì chúng sẽ chỉ có hiệu quả trong tương lai. Dù thế nào, những khoản đầu tư đó cũng gây ra một vấn đề của hiện tại. Các nhà kỹ trị Trung Quốc có thể làm nhiều điều, nhưng như Fraser Howie, đồng tác giả của cuốn sách “Chủ nghĩa tư bản đỏ: Nền tảng tài chính mong manh của sự trỗi dậy phi thường của Trung Quốc”, nói với tác giả vào tháng 6: “Điều họ không thể làm là biến những khoản đầu tư ngu ngốc trở thành tốt đẹp”.

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã tìm cách loại bỏ những vấn đề này bằng cách mắc thêm nợ. Thủ thuật đó đã có tác dụng vào cuối những năm 1990, nhưng khối nợ tích lũy giờ đây trở nên nặng nề đến mức làm chậm tăng trưởng và làm lung lay niềm tin.

Trong số những điều khác, những quan ngại về kinh tế đã dẫn đến tình trạng thoái vốn ồ ạt vào năm 2015 và năm 2016, khi theo những ước tính chính xác nhất, dòng chảy vốn ròng ra ngoài vượt mức 2000 tỷ USD. Bắc Kinh đã ngăn chặn dòng chảy ra ngoài, nhưng chỉ bằng những biện pháp kiểm soát vốn hà khắc, chỉ một vài trong số đó được công bố chính thức.

Bất chấp thành công trong việc ngăn dòng vốn chảy ra ngoài, vẫn còn những mối lo ngại. Tháng 10/2017, Chu Tiểu Xuân, khi vẫn là người đứng đầu Ngân hàng nhân dân Trung Quốc, công khai nêu lên khả năng rằng Trung Quốc sẽ gánh chịu “thời điểm Minsky”, thời điểm mà các giá trị tài sản sụp đổ. Đây cũng là nỗi lo lắng của người dân Trung Quốc, những người rõ ràng nghĩ rằng điều gì đó tồi tệ đang đến. Hết khảo sát này đến khảo sát khác cho thấy 1/3 đến 1/2 người giàu Trung Quốc lên kế hoạch rời khỏi đất nước của họ trong trung hạn.

Như những bình luận khác thường của Chu Tiểu Xuân chỉ ra, tình hình của Bắc Kinh vẫn nghiêm trọng. Michael Pettis đến từ Đại học Bắc Kinh đã chỉ ra trong các bình luận tại Diễn đàn Thịnh vượng toàn cầu vào tháng 12/2017 rằng sự khác biệt giữa tình hình Trung Quốc hiện nay và các cuộc khủng hoảng nợ trước đây ở những nước khác là trong các cuộc khủng hoảng trước đó, những sự mất cân bằng về kinh tế không “sâu sắc” và nợ không ở mức “cao” như vậy.

Trung Quốc có thể tránh được tình trạng mất cân bằng và nợ nần lâu hơn các nước khác. Bắc Kinh kiểm soát chặt chẽ mọi thứ từ người đi vay, người cho vay, các thị trường đến tòa án. Tuy nhiên, nền kinh tế không thể tránh khỏi thời điểm then chốt đó khi một sự điều chỉnh diễn ra.

Tại sao? Donald Trump xuất hiện. Cho dù người ta nghĩ Tổng thống Trump bắt đầu một cuộc chiến tranh thương mại hay chỉ phản ứng với cuộc chiến mà Trung Quốc khởi xướng – tác giả bỏ phiếu cho cách hiểu thứ hai – thì ông cũng đang thực hiện những hành động tấn công nền kinh tế Trung Quốc và làm lung lay niềm tin.

Sau một làn sóng mạnh mẽ ban đầu do hoạt động tuyên truyền tạo ra, các học giả và nhà phân tích Trung Quốc đang bắt đầu hiểu ra rằng “chiến tranh thương mại” là một cuộc tranh đấu lâu dài mà đất nước họ không thể duy trì.

Tại sao? Trump nói về các khoản thâm hụt thương mại, nhưng những hành động của chính quyền ông lại tập trung vào công nghệ. Một cuộc cạnh tranh về công nghệ, hơn cả một cuộc chiến tranh thương mại, trông giống như một cuộc tranh đấu cho tương lai. Như Thomas Friedman của tờ New York Times đã viết vào đầu tháng 5, đây không phải cuộc chiến về các loại thuế hay thậm chí là về thương mại; đây là cuộc chiến cho tương lai. Kết luận của Friedman không phải là phân tích của riêng ông mà là những quan điểm từ các nguồn của Trung Quốc. Nhiều người ở Trung Quốc nhìn nhận điều này là, hoặc gần như là, một cuộc tranh đấu để tồn tại. Đúng lúc đó, người Mỹ cũng sẽ nhìn nhận giống như vậy.

Trong bất kỳ tình huống nào, những hành động của Trump cũng đang gây áp lực mạnh mẽ đối với nền kinh tế Trung Quốc. Anne Stevenson-Yang, đồng sáng lập Trung tâm nghiên cứu J Capital có trụ sở tại Bắc Kinh, nói với tờ National Interest: “Tôi thực sự tin rằng quyết tâm của Trump cắt giảm lượng đồng USD đang lưu thông sẽ gây ra một cuộc khủng hoảng cho Trung Quốc, như anh có thể thấy từ lợi suất trái phiếu hiện nay, thị trường chứng khoán A-share (cổ phiếu niêm yết trên sàn Thượng Hải và sàn Thâm Quyến, định giá bằng đồng nhân dân tệ - ND), và giá trị đồng nhân dân tệ. Đây không phải là ý định của Trump mà là một tác động của việc tăng lãi suất, phần nào là chức năng của việc cắt giảm thuế, vì việc vay quá nhiều tiền làm tăng lãi suất, cộng thêm vào điều hẳn sẽ là một sự suy giảm trong thương mại của Mỹ. Lý do giải thích tại sao điều này có thể châm ngòi cho cuộc khủng hoảng nợ đã được dự đoán từ lâu là nền kinh tế Trung Quốc phụ thuộc nhiều vào doanh thu bằng đồng USD để hỗ trợ cho việc mở rộng cung ứng tiền tệ. Không có nó, họ chỉ có thể in thêm tiền, và điều đó gây ra lạm phát”.

Các nhà kỹ trị Trung Quốc có thể đang tiếp cận đến những giới hạn xa hơn của những gì họ có thể in ra để duy trì hoạt động nền kinh tế. Cuối năm 2017, M2 của Trung Quốc, thước đo tiền tệ lưu hành rộng lớn (gồm tiền mặt, tiền gửi không kỳ hạn và tiền gửi tiết kiệm – ND) đã lên đến 25.980 tỷ USD, chiếm 202,3% GDP năm 2017. Trong khi đó, M2 của Mỹ vào thời điểm đó là 13.820 tỷ USD, chỉ bằng 71,8% GDP.

Trump đang cắt giảm dòng chảy tiền tệ ngay khi Bắc Kinh cần nó nhất. Trong vài tuần gần đây, Ngân hàng nhân dân Trung Quốc, một ngân hàng thuộc trung ương, đã vội vàng bổ sung thêm tiền mặt. Như Collier nói với tờ The National Interest, nhìn chung các quan chức Trung Quốc nghĩ rằng tình trạng siết chặt gần đây đã đi quá xa và họ cũng đã tìm cách “đối phó với tác động của một cuộc chiến tranh thương mại đối với nền kinh tế”.

Và Trung Quốc, một nước có thặng dư thương mại, đặc biệt dễ bị tổn thương trước một cuộc chiến tranh thương mại. Ngân hàng thế giới ước tính rằng xuất khẩu chiếm 19,8% GDP năm 2017 của Trung Quốc.

Collier không mong đợi một cuộc khủng hoảng tài chính của Trung Quốc, nhưng động thái trong ngắn hạn là bổ sung tín dụng sẽ dẫn đến việc có “thêm các dự án tồi tệ” và do đó là “một nền kinh tế cơ sở yếu kém hơn”.

Bắc Kinh đang trong tình thế khó khăn. Việc bổ sung tín dụng sẽ kích thích nền kinh tế và kiềm chế làn sóng vỡ nợ trái phiếu đang diễn ra. Tuy nhiên, thêm tín dụng sẽ làm suy yếu đồng nhân dân tệ, vốn đã giảm 3,25% so với USD vào tháng 6 và đang tiếp tục sụt giảm. Đồng nhân dân tệ yếu kém hơn dẫn đến dòng vốn chảy ra ngoài.

Đồng thời, Ngân hàng dự trữ liên bang đang tăng lãi suất. Mức lãi suất cao hơn của Mỹ có xu hướng dẫn đến dòng tiền ra khỏi Trung Quốc và vào Mỹ. Đầm lầy mà Trump đang rút cạn chính là Trung Quốc.

Và những hành động của Trump trong lĩnh vực thương mại, cùng với phản ứng của Bắc Kinh, sẽ dẫn đến suy giảm xuất khẩu, do đó sụt giảm lợi nhuận từ xuất khẩu.

Như Stevenson-Yang nói với tác giả, chẳng bao lâu nữa, Bắc Kinh sẽ ở vào vị trí mà họ có thể không có khả năng kiềm chế tình hình. Trong những tháng gần đây, họ đã bảo vệ tiền tệ của mình bằng cách bán đồng USD, và Trung Quốc có lượng dự trữ lớn. Tuy nhiên, số tiền dự trữ đó – chính thức công bố là 3.110 tỷ USD vào cuối tháng 6 – chắc chắn không lớn hay có tính luân chuyển như đã được khẳng định, do đó rốt cuộc chúng có thể tỏ ra không đủ lớn để ngăn chặn tình trạng hoảng loạn.

Bắc Kinh đã kiềm chế được tình hình vào năm 2008. Họ đã kích thích nền kinh tế để tránh một cuộc khủng hoảng do họ tạo ra. Nhiều người nói rằng quy định lỏng lẻo ở Mỹ đã dẫn đến suy thoái toàn cầu, nhưng những người có óc tò mò có thể muốn hỏi lý do tại sao quy định lại thất bại ở một đất nước vốn được biết đến là có hệ thống quy định chặt chẽ.

Câu trả lời là quy định của Mỹ - và các nhà lập pháp - bị lấn át bởi xu hướng thanh khoản toàn cầu. Xu hướng đó là kết quả trực tiếp của việc Trung Quốc, thông qua các chính sách trọng thương, tích lũy thặng dư thương mại và thông qua các chính sách khác giữ phần lớn số tiền mặt có được nhờ đó khỏi tay của người dân Trung Quốc.

Bắc Kinh đã đầu tư những khoản thặng dư đó vào khoản nợ của Mỹ, và do đó, thanh khoản đã tràn ngập Mỹ. Giống như ở Trung Quốc hiện nay, quá nhiều khả năng thanh khoản trở thành các khoản đầu tư không hiệu quả. Trong một giai đoạn “sôi nổi vô lý” – thuật ngữ được cựu Chủ tịch Ngân hàng dự trữ liên bang Alan Greenspan phổ cập – hầu hết tất cả mọi người đều trở nên choáng váng, giống như các nhà đầu tư đã từng trải qua vào những năm 1920.

Mỹ là nước đầu tiên chịu thiệt hại trong cuộc đại suy thoái gần đây nhất. Trong cuộc suy thoái tiếp theo, sẽ đến lượt Trung Quốc. Sau một thập kỷ với các khoản đầu tư yếu kém và kích thích quá mức, Bắc Kinh sẽ không thể né tránh khủng hoảng.

Trên thực tế, Trung Quốc đã không thoát khỏi sự sụp đổ năm 2008. Họ chỉ trì hoãn nó – cho đến hiện nay.

Do đó, dường như Bắc Kinh đang làm suy yếu nền kinh tế toàn cầu một lần nữa. Lần nay, nạn nhân lớn nhất sẽ là Trung Quốc.

Gordon G. Chang là tác giả cuốn “Trung Quốc sắp sụp đổ”. Bài viết được đăng trên The National Interest.

Văn Cường (gt)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét